Awareness
(Sự nhận biết về thương hiệu): Chỉ ra lượng người hay thị trường mục
tiêu có thể nhận biết về sự tồn tại của một công ty hay một thương hiệu
đã có mặt trên thị trường. Thông thường người ta thường phân chia làm
hai kiểu nhận biết: kiểu thứ nhất là nhận biết tự phát (top of mind),
qua đó có thể đo lường phần trăm số người đề cập đến thương hiệu một
cách ngẫu nhiên ngay khi được đề nghị liệt kê ra một số thương hiệu
trong một loại sản phẩm nào đó. Còn loại thứ hai là kiểu nhận thức có
gợi ý - kiểu này đo lường tỉ lệ phần trăm số người có thể nhận diện được
một thương hiệu của một loại sản phẩm nào đó khi một danh sách những
thương hiệu được đưa ra để cho họ có thể chọn lựa.
Brand
(Thương hiệu): Là một hỗn hợp các đặc tính cả hữu hình lẫn vô hình được
diễn đạt thông qua các biểu tượng của một nhãn hiệu và nếu được quản lí
một cách đúng đắn, nhãn hiệu này có thể tạo ra giá trị và sự ảnh hưởng
nhất định cho thương hiệu đó.
Thuật ngữ “giá
trị thương hiệu” có rất nhiều cách diễn tả và giải thích khác nhau: Ví
dụ như theo giới tiếp thị và giới tiêu dùng thì giá trị thương hiệu
chính là những lời hứa và sự chuyển giao các trải nghiệm về một thương
hiệu nào đó; đối với giới doanh nghiệp thì giá trị của một thương hiệu
chính là sự đảm bảo các dòng thu nhập trong tương lai của thương hiệu
đó; còn theo quan điểm pháp lý thì giá trị chính là một mảng riêng lẻ
các tài sản trí tuệ. Các thương hiệu cung cấp cho các khách hàng của
mình một phương tiện để lựa chọn và kích thích sự công nhận trong những
thị trường tập trung.
Brand Architecture(Kiến
trúc thương hiệu): Là cách mà một tổ chức sắp xếp và liệt kê danh sách
các thương hiệu của mình trong một danh mục nhiều thương hiệu khác nhau.
Trên thực tế có ba loại hệ thống cấu trúc thương hiệu bao gồm:
- Pure
Master Brand (Thuần thương hiệu mẹ): Sử dụng duy nhất một tên thương
hiệu mẹ cho tất cả các dịch vụ và sản phẩm của công ty.
- Thứ hai là kiểu Thương hiệu bảo trợ, trong
đó tất cả các thuơng hiệu phụ đều đuợc liên kết với thuơng hiệu mẹ của
doanh nghiệp thông qua các hình tượng quảng cáo, cách đặt tên…
- Và
loại cuối cùng là kiểu Thương hiệu độc lập, trong đó các thuơng hiệu
của một doanh nghiệp đơn thuần hoạt động với thương hiệu mẹ và mỗi sản
phẩm hay dịch vụ đều đuợc quảng bá các thuơng hiệu của mình bằng các
cách thức riêng biệt trong các thị truờng mục tiêu của mình.
Brand Associations
(Sự liên tưởng thương hiệu): Là những cảm giác, niềm tin, và các hiểu
biết về thương hiệu mà khách hàng hay người tiêu dùng biết tới. Sự liên
tưởng thương hiệu này xuất phát từ những trải nghiệm của khách hàng với
thương hiệu đó, phù hợp cũng như thống nhất với việc định vị thương hiệu
và phải được thực hiện trên cơ sở dị biệt hóa.
Brand Commitment(Sự
cam kết đối với một thương hiệu): Là mức độ cam kết của khách hàng với
một thương hiệu nào đó, đảm bảo rằng họ sẽ tiếp tục sử dụng hay mua sản
phẩm của thương hiệu này trong tương lai. Mức độ cam kết chỉ rõ độ an
toàn về việc khách hàng của một doanh nghiệp sẽ vẫn tiếp tục đồng hành
với nó thay vì đi theo những đối thủ cạnh tranh trực tiếp khác.
Brand Earnings(Thu
nhập từ thương hiệu): Đó chính là những dòng tiền hay bất cứ nguồn thu
nhập nào mà người ta tin rằng thương hiệu đem lại cho bất kỳ công ty nào
sở hữu nó.
Brand Equity(Tài
sản thương hiệu): Được định nghĩa là tất cả những đặc tính hay chất
lượng nổi bật nhất của một thương hiệu, có được từ sự tương tác giữa các
nhóm có lợi ích với thương hiệu, qua đó tạo ra được sự cam kết từ các
cá nhân và tạo ra nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm mang thương hiệu này của
doanh nghiệp. Chính những tư duy và cảm giác rất khác biệt này làm cho
thương hiệu có giá trị và tạo được sự chú ý với khách hàng.
Brand Equity Protection(Bảo
vệ tài sản thương hiệu): Là việc tiến hành các chiến lược để giảm thiểu
rủi ro và các trách nhiệm liên đới về phương diện pháp lý do các lý do
như hàng giả, sự lệch lạc hay sáo trộn và sự đánh cắp thuơng hiệu hay
những yếu tố khác có liên quan đến thưong hiệu, nhằm duy trì các suy
nghĩ và cảm giác tích cực từ người tiêu dùng và khách hàng, làm cho
thuơng hiệu trở nên có giá trị đối với họ về lâu về dài.
Brand Essence (Bản
chất nội tại của thương hiệu): Là những lời hứa hoặc cam kết mà thuơng
hiệu biểu lộ theo những từ ngữ đơn giản nhất với chỉ một mục đích duy
nhất. Chẳng hạn như thương hiệu Volvo thường được liên hệ với “sự an
toàn”, AA là dịch vụ khẩn cấp… Tuy nhiên những bản chất nội tại mạnh mẽ
nhất của một thương hiệu lại phải bắt nguồn từ chính các nhu cầu cơ bản
nhất của khách hàng.
Brand Experience (Các
kinh nghiệm về thương hiệu): Là cách thức mà một thương hiệu được tạo
ra trong tâm trí của các nhóm lợi ích của nó. Một số những kinh nghiệm
này được kiểm soát bởi những nhân tố ví dụ như môi trường bán lẻ, quảng
cáo, dịch vụ, sản phẩm hay các trang web… Một số các nhân tố khác lại
không thể kiểm soát được ví dụ như các lời bình luận từ báo giới và
những lời giới thiệu tiến cử từ chính các khách hàng. Những thương hiệu
mạnh thường xuất hiện khi hội tụ đầy đủ các trải nghiệm thống nhất, kết
hợp những yếu tố trên nhằm tạo ra được một thương hiệu mà khách hàng có
được những trải nghiệm rõ ràng và phân biệt được với các thương hiệu
khác.
Brand Extension (Mở
rộng thương hiệu): Là việc phát triển các giá trị khác của một thương
hiệu để có thể đem thương hiệu ra những thị trường hoàn toàn mới.
Brand Harmonisation(Sự
hòa hợp thương hiệu): Khái niệm này là để đảm bảo rằng tất cả các sản
phẩm trong một phạm vi thương hiệu nhất định phải có được một cái tên,
hình ảnh thích hợp và trên hết là phải được định vị đúng trên nhiều thị
trường khác nhau tại các khu vực địa lý khác nhau.
Brand Identity
(Chân dung thương hiệu): Là sự biểu hiện ra bên ngoài của thương hiệu,
bao gồm tên và các hình ảnh về nó. Chan dung thương hiệu là những cách
cơ bản nhất mà người tiêu dùng có thể nhận biết và phân biệt được thương
hiệu của một doanh nghiệp so với các thương hiệu khác của các đối thủ
cạnh tranh.
Brand Image
(Hình ảnh thương hiệu): Là tất cả những gì mà khách hàng rút ra được từ
một thương hiệu. Đối với người sử dụng thì hình ảnh thương hiệu chủ yếu
được xác định dựa vào các kinh nghiệm thực tế mà một sản phẩm hay dịch
vụ của một thương hiệu mang lại và cách mà nó đáp ứng được những nhu cầu
và mong đợi của khách hàng; còn đối với những người không sử dụng sản
phẩm hay dịch vụ thì hình ảnh về một thương hiệu phụ thuộc hoàn toàn vào
những ấn tượng, thái độ và niềm tin mà chưa được kiểm chứng với những
thông tin đầy đủ và xác thực.
Brand Licensing
(Nhượng quyền thương hiệu): Chủ sở hữa của một thương hiệu cho phép
việc sử dụng thương hiệu mà họ đang sở hữu cho một bên khác. Thông
thường thì để đổi lại cho quyền được sử dụng thương hiệu thì các công ty
đi thuê phải trả cho công ty cho thuê một khoản phí giống như tiền bản
quyền thương hiệu.
Brand Management (Quản
trị thương hiệu): Thực tế quá trình này liên quan đến việc quản lí các
khía cạnh cả hữu hình lẫn vô hình của một thương hiệu. Đối với những
thương hiệu của các sản phẩm thì phần hữu hình cũng chính là bản thân
các sản phẩm đó như bao bì, giá cả … Còn đối với các thương hiệu cho các
dịch vụ thì phần hữu hình được thực hiện cùng lúc với trải nghiệm của
chính khách hàng về môi trường bán lẻ, việc giao tiếp trực tiếp với các
nhân viên bán hàng và mức độ hài lòng chung của họ. Còn những nhân tố vô
hình đều giống nhau, đều là sự liên kết với khách hàng về mặt cảm xúc,
yếu tố này có được từ các kinh nghiệm, sự tương tác với tính cách thương
hiệu và con người. Chính vì thế mà các giá trị thương hiệu vô hình này
phải được quản lí thông qua sự vận dụng chính các đặc tính của thương
hiệu, các kỹ năng giao tiếp của nhân viên và cả yếu tố liên quan đến con
người.
Brand Parity
(Sự ngang bằng giữa các thương hiệu) : Một phép đo lường về mức độ
giống hay khác nhau giữa những thương hiệu khác nhau trong cùng một loại
sản phẩm được xem xét. Mức độ ngang bằng giữa các thương hiệu thay đổi
tùy loại sản phẩm. Đối với ngành công nghiệp xăng dầu thì nó rất cao -
có đến khoảng hơn 80% số lượng người được hỏi cho biết họ không thấy có
nhiều sự khác biệt giữa các thương hiệu trong ngành này. Trái lại thì sự
ngang bằng về mặt thương hiệu lại có vẻ rất thấp trong ngành công
nghiệp xe hơi khi có đến hơn 75 % lượng người được phỏng vấn cho biết có
rất nhiều khác biệt giữa các thương hiệu trong ngành công nghiệp này.
Brand Personality
(Tính cách thương hiệu): Gần giống với những nét đặc trưng trong tính
cách của con người như tính nghiêm túc, nồng nhiệt,… là một sự liên
tưởng đối với một thương hiệu như một con người, nhân cách hóa thương
hiệu để đạt được sự dị biệt hóa. Thông thường thì tính cách của một
thương hiệu được tiến hành thông qua việc quảng cáo dài hạn với ngân
sách cao, đầu tư vào hình ảnh cũng như bao bì phù hợp với thị hiếu của
khách hàng. Và tính cách thương hiệu còn được truyền đạt thông qua các
hành vi của một thương hiệu như cả việc đóng gói lẫn việc giao tiếp
khách khàng của nhân viên - những người sẽ đại diện cho thương hiệu của
một doanh nghiệp trước khách hàng.
Brand Platform(Nền thương hiệu): Bao gồm những nhân tố chính yếu sau đây:
-
Brand Vision (Tầm nhìn thương hiệu): Những hiểu biết mang tính dẫn dắt khách hàng vào thế giới của thương hiệu.
-
Brand Mission (Sứ mệnh thương hiệu): Là cách mà một thương hiệu sẽ hành động dựa trên tầm đã hoạch định.
-
Brand Values (Giá trị thương hiệu): Những điều mà một thương hiệu phụ thuộc vào để tồn tại. Các giá trị này như một chuẩn mực để đo lường các hành vi cũng như việc thực hiện.
-
Brand Personality (Bản chất thương hiệu- các đặc điểm cả một đặc tính thương hiệu.
-
Brand Tone of Voice (Tiếng nói thương hiệu): Cách thức mà thương hiệu truyền đạt tới người nghe như thế nào.
Brand Positioning
(Định vị thương hiệu): Việc xác định một vị trí riêng biệt mà một
thương hiệu nhận lấy về mình trong môi trường kinh doanh đầy cạnh tranh,
để đảm bảo rằng các khách hàng có thể phân biệt thương hiệu của nó với
các thương hiệu khác. Việc định vị thương hiệu liên quan đến việc vận
dụng kỹ càng tất cả mọi nhân tố trong Marketing Mix để đạt được hiệu quả
trong việc khác biệt hóa thương hiệu trong tâm trí khách hàng.
Brand Strategy
(Chiến lược thương hiệu): Một kế hoạch nhằm phát triển có tính hệ thống
một thương hiệu để có thể đáp ứng được các mục tiêu đã thỏa thuận. Các
chiến lược thương hiệu này phải xuất phát từ sứ mệnh của thương hiệu và
phải được lèo lái bởi nguyên tắc dị biệt hóa và khả năng thu hút khách
hàng lâu dài. Chiến lược thương hiệu phải tạo được ảnh hưởng lên các
hoạt động của một doanh nghiệp, nhằm đảm bảo được các hành vi và trải
nghiệm thống nhất trong khách hàng với một thương hiệu.
Brand Valuation
(Định giá thương hiệu): Là quá trình xác định và đo lường các lợi ích
kinh tế của giá trị thương hiệu xuất phát từ quyền sở hữu thương hiệu
đó.
Branding
(Xây dựng thương hiệu): Lựa chọn và pha trộn những đặc tính cả hữu hình
lẫn vô hình để làm dị biệt hóa các sản phẩm, dịch vụ; hay sự phối hợp
tất cả các hoạt động, mang tính thúc đẩy và hấp dẫn đối với khách hàng.
Theo vietnambranding.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét